Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.


Chào mừng bạn đến với Website Hội liên hiệp phụ nữ phường 8 quận 5
 
Trang ChínhPortalGalleryTìm kiếmLatest imagesĐăng kýĐăng Nhập
Tìm kiếm
 
 

Display results as :
 
Rechercher Advanced Search
May 2024
MonTueWedThuFriSatSun
  12345
6789101112
13141516171819
20212223242526
2728293031  
CalendarCalendar

 

 Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang

Go down 
Tác giảThông điệp
Admin
thành viên vip
thành viên vip
Admin


Tổng số bài gửi : 573
Join date : 01/04/2009
Age : 47
Đến từ : TPHCM

Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang  Empty
Bài gửiTiêu đề: Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang    Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang  I_icon_minitimeWed Sep 14, 2011 1:13 pm

HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM
80 NĂM – CHẶNG ĐƯỜNG LỊCH SỬ VẺ VANG

Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt nam ra đời trong thời gian, hoàn cảnh nào?
Đảng Cộng sản Đông dương được thành lập ngày 3/2/1930. Trong cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi rõ “nam, nữ bình quyền”.
Đảng ta đã sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: giải phóng phụ nữ, gắn liền với giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ.
Đảng Cộng sản Đông dương đã đặt ra: phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng và cần phải thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.
Trong hoàn cảnh lịch sử đó, ngày 20/10/1930 Hội Phụ nữ Giải phóng (Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam ngày nay) được thành lập.
Từ khi ra đời đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã trải qua mấy kỳ Đại hội? Hãy cho biết thông tin chính về các kỳ Đại hội ấy (thời gian, địa điểm, bối cảnh diễn ra đại hội, số lượng đại biểu, số lượng BCH và số lượng thành viên Đoàn chủ tịch Trung ương Hội?)
Từ khi thành lập đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã trải qua 10 kỳ Đại hội.
- Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ I: họp từ ngày 18 đến 29/4/1950 tại Chiến khu Việt Bắc.
Tham dự Đại hội có 345 đại biểu (có 168 đại biểu chính thức, trong đó có phụ nữ Việt kiều ở Pháp, Thái Lan…).
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội Phụ nữ Cứu quốc khóa I gồm 32 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban Thường trực gồm 9 ủy viên.
Hội trưởng Hội Phụ nữ Cứu quốc: Bà Lê Thị Xuyến

Các Phó Hội trưởng: Bà Nguyễn Thị Thục Viên, Bà Lê Thu Trà, Bà Hoàng Thị Ái
- Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ II: họp từ ngày 26 đến 31/5/1956 tại Hà Nội
Tham dự Đại hội có hơn 700 đại biểu phụ nữ trong nước và Việt kiều ở nước ngoài (có hơn 400 đại biểu chính thức). Dự Đại hội còn có 6 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế.
Đại hội đã quyết định số lượng Ban chấp hành Trung ương Hội khóa II gồm 57 ủy viên.
Đại hội đã bầu 49 ủy viên và 8 ủy viên sẽ được bổ sung sau (5 ủy viên cho đại biểu miền Nam , 3 ủy viên cho đại biểu kiều bào nước ngoài). Ban chấp hành Trung ương Hội đã ra bầu Ban Thường vụ gồm 13 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Thập

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Lê thị Xuyến, Bà Nguyễn Thị Thục Viên, Bà Hoàng Thị Ái, Bà Bùi Thị Cẩm, Bà Hà Thị Quế
- Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ III: họp từ ngày 8 đến 13/3/1961 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 650 đại biểu (có 450 đại biểu chính thức). Đến dự Đại hội còn có 19 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế.
Đại hội bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa III gồm 67 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban Thường trực gồm 16 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Thập

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Hoàng Thị Ái, Bà Hà Thị Quế, Bà Lê thị Xuyến, Bà Nguyễn Thị Thục Viên, Bà Hà Giang.
Do yêu cầu của phong trào phụ nữ miền Nam , ngày 8/3/1961, Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam được thành lập.
Chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Định

Ngày 8/3/1965 Đại hội Phụ nữ toàn miền Nam được tổ chức.
- Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ IV: họp từ ngày 4 đến 7/3/1974 tại Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 796 đại biểu (có 596 đại biểu chính thức). Dự Đại hội còn có 26 đoàn đại biểu phụ nữ thế giới.
Đại hội đã bầu ra Ban chấp hành Trung ương Hội khóa IV gồm 75 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban thường vụ gồm 15 ủy viên.
Chủ tịch Danh dự Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Thập

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Hà Thị Quế

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Lê Thị Xuyến, Bà Hà Giang, Bà Nguyễn Thị Minh Nhã, Bà Vũ Thị Chín.
Từ ngày 10 đến 12/6/1976, Hội nghị thống nhất Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Giải phóng miền Nam Việt Nam họp tại Thành phố Hồ Chí Minh. Hội nghị đã bầu lại Ban chấp hành Trung ương Hội gồm 114 ủy viên. Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban thường vụ gồm 30 uỷ viên.
Chủ tịch danh dự Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Thập

Chủ tịch Hội LHPNVN: Bà Hà Thị Quế

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Nguyễn Thị Định – Phó Chủ tịch thứ nhất, Bà Lê Thị Xuyến, Bà Nguyễn Thị Được, Bà Hà Giang, Bà Nguyễn Thị Thanh, Bà Nguyễn Thị Minh Nhã, Bà Nguyễn Thị Bình, Bà Vũ Thị Chín, Bà Phan Thanh Vân (Ngô Bá Thành).
- Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ V: họp từ ngày 19 đến 20/5/1982 tại Hà Nội
Tham dự Đại hội có 1.051 đại biểu (có 800 đại biểu chính thức). Đến dự Đại hội có 9 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế.
Đại hội đã bầu Ban chấp hành Trung ương Hội khóa V gồm 109 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu ra Ban Thư ký gồm 15 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Định

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Nguyễn Thị Như, Bà Nguyễn Thị Bình, Bà Nguyễn Thị Thanh, Bà Ngô Bá Thành.
- Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VI: họp từ ngày 19 đến 20/5/1987 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 1.138 đại biểu (có 700 đại biểu chính thức).
Đại hội đã quyết định số lượng Ban chấp hành Trung ương Hội khóa VI gồm 111 ủy viên. Tại Đại hội đã bầu 98 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 15 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Định

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Nguyễn Thị Thân, Bà Trương Mỹ Hoa, Bà Trần Thị Thanh Thanh, Bà Trương Mỹ Hoa, Bà Ngô Bá Thành, Bà Hoàng Xuân Sính.
- Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VII: họp từ ngày 18 dến 20/5/1992 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có 1.145 đại biểu (có 760 đại biểu chính thức).
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa VII gồm 96 Ủy viên. Ban Chấp hành đã bầu Đoàn Chủ tịch gồm 11 ủy viên.
Do những công lao và sự cống hiến xuất sắc, Đại hội đã tôn vinh và bầu:
Chủ tịch danh dự Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Định

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Trương Mỹ Hoa

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Vương Thị Hanh, Bà Võ Thị Thắng, Bà Nguyễn Thị Phương Minh.
- Đại hội Đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ VIII: họp từ ngày 19 đến 20/5/1997 tại Thủ đô Hà Nội.
Dự Đại hội có 1.289 đại biểu (900 đại biểu chính thức). Tham dự Đại hội còn có 25 đoàn đại biểu phụ nữ quốc tế của 22 nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Uỷ ban vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN.
Đại hội đã quyết định số lượng Ban chấp hành Trung ương Hội khóa VIII gồm 130 ủy viên. Tại Đại hội đã bầu 126 ủy viên. Ban chấp hành Trung ương Hội đã quyết định số lượng Đoàn chủ tịch gồm 21 ủy viên và tại Đại hội đã bầu 19 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Trương Mỹ Hoa

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Lê Thị Thu, Bà Trương Thị Khuê, Bà Nguyễn Thị Oanh, Bà Nguyễn Thị Phương Minh.
Tháng 2/1998, do bà Trương Mỹ Hoa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội, BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã bầu lại Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam .
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Hà Thị Khiết.

- Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX: họp từ ngày 22 đến 23/2/2002 tại Thủ đô Hà Nội.
Tham dự Đại hội có gần 1200 đại biểu (có 900 đại biểu chính thức). Dự Đại hội còn có 19 đoàn với gần 100 đại biểu phụ nữ quốc tế các nước và đại diện Liên đoàn phụ nữ dân chủ quốc tế, Liên đoàn Uỷ ban Vì tự do và Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN...)
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa IX gồm 132 ủy viên. Tại kỳ họp thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội đã bầu Đoàn chủ tịch gồm 23 ủy viên
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Hà Thị Khiết

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Lê Thị Thu, Bà Nguyễn Thị Oanh, Bà Nguyễn Thị Phương Minh, Bà Trương Thị Khuê, Bà Nguyễn Thanh Hòa.
Tháng 8/2002 bà Lê Thị Thu được Quốc hội bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em.
Tháng 7/2004, bà Nguyễn Thị Kim Thúy được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
- Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ X: họp từ ngày 2 đến 4/10/2007 tại Thủ đô Hà Nội.

Toàn cảnh Đại hội X
Tham dự Đại hội có 1193 đại biểu.
Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương Hội khóa X gồm 154 ủy viên. Phiên họp thứ nhất BCH Hội LHPNVN khoá X đã bầu Đoàn Chủ tịch Hội LHPNVN khóa X gồm 25 ủy viên.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam : Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa

Các Phó Chủ tịch Hội: Bà Đặng Thị Ngọc Thịnh, Bà Nguyễn Thị Kim Thúy, Bà Hoàng Thị Ái Nhiên, Bà H’Ngăm Niê KĐăm.

Tổng Bí thư BCH TW Đảng CSVN Nông Đức Mạnh phát biểu tại Đại hội Đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ X

Nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Hà Thị Khiết chúc mừng tân Chủ tịch Hội Nguyễn Thị Thanh Hòa

Đồng chí Hà Thị Khiết tặng hoa cho các đồng chí trong Đoàn Chủ tịch khóa X

Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trao tặng Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam bức trướng tuyên dương thành tích phụ nữ Việt Nam giai đoạn 2002- 2007.
Đồng chí hãy cho biết tên những Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam qua các kỳ Đại hội? Viết về một Chủ tịch đã để lại cho đồng chí những ấn tượng sâu sắc nhất.
Các vị Chủ tịch Hội LHPNVN qua các kỳ Đại hội:
- Bà Lê Thị Xuyến, Chủ tịch Hội khóa I: 1950-1956
- Bà Nguyễn Thị Thập, Chủ tịch Hội khóa II: 1956-1961 và khóa III: 1961-1974
- Bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội khóa IV: 1974-1982
- Bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội khóa V: 1982-1987 và khóa VI: 1987-1992
- Bà Trương Mỹ Hoa, Chủ tịch Hội khóa VII: 1992-1997 và khóa VIII: 1997-1998
Tháng 2/1998, bà Trương Mỹ Hoa đảm nhiệm vị trí Phó Chủ tịch Quốc hội; bà Hà Thị Khiết được BCH Trung ương Hội LHPN Việt Nam bầu giữ chức Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
- Bà Hà Thị Khiết, Chủ tịch Hội: 1998-2002 và khóa IX: 2002-2007
Tháng 8/2002 bà Lê Thị Thu được Quốc hội bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng, Chủ nhiệm uỷ ban Dân số - Gia đình - Trẻ em.
Tháng 7/2004, bà Nguyễn Thị Kim Thúy được bầu là Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam
- Bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội khóa X: 2007-2012
Bà Nguyễn Thị Định, một vị nữ tướng anh hùng, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước nước CHXHCN Việt Nam, người đã lãnh đạo phụ nữ đồng khởi đấu tranh giành độc lập cho đất nước.
Nữ tướng Nguyễn Thị Định sinh ngày 15-3-1920 tại xã Lương Hòa, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre. Bà là út của 10 anh em trong gia đình nông dân giàu lòng yêu nước và cách mạng. Thuở nhỏ, bà phải sống trong xã hội thực dân và phong kiến, gia đình đông con nên khó có điều kiện cắp sách đến trường như bao người khác. Bổn phận là anh, hơn nữa thương em nhiều nên anh Ba Chẩn đã dạy bà học cho biết cái chữ tại nhà. Tuy không học được nhiều nhưng bà rất thông minh, nhạy cảm và hiểu biết đủ điều, thích đọc nhiều truyện, đặc biệt là truyện Lục Vân Tiên của cụ Nguyễn Đình Chiểu. Những nhân vật, những hình ảnh, những cuộc đời trong truyện gợi cho bà có một ước mơ vươn đến cuộc sống cao đẹp, gieo trong lòng bà tình thương sâu sắc đối với tầng lớp nghèo trong xã hội và căm ghét những cảnh bất công. Cứ mỗi ngày đem cơm, nước cho anh Ba trong tù, tận mắt chứng kiến cảnh lính Pháp tra tấn, đánh đập dã man, thân hình bầm tím, máu chảy loang trên nền xi măng thì lòng bà lại quặn đau như thắt. Lúc này bà mới hiểu các anh bị bắt, bị đánh đập là vì làm việc cứu nước, cứu dân, chống lại Pháp, chống lại chủ điền. Từ đó bà hiểu nhiều về nỗi nhục mất nước, người giàu ức hiếp người nghèo và cần phải chống lại chúng.
Năm 1936, vừa tròn 16 tuổi, bà bắt đầu tham gia cách mạng. Hai năm sau (1938) bà được đứng vào hàng ngũ Đảng Cộng Sản Đông Dương. Cũng trong thời gian này, bà xây dựng gia đình với ông Nguyễn Văn Bích – Tỉnh ủy viên tỉnh Bến Tre, được không bao lâu thì chồng bị Pháp bắt đày đi Côn Đảo và hy sinh tại đó. Nhận được tin chồng hy sinh, lòng căm thù của bà lại nhân gấp bội. Bất chấp con còn nhỏ, gởi lại mẹ chăm sóc, bà thoát ly tham gia họat động cách mạng tại tỉnh nhà.
Năm 1940, bà lại bị Pháp bắt và biệt giam tại nhà tù Bà Rá, tỉnh Sông Bé (nay thuộc tỉnh Bình Phước). Ba năm tù cũng là ba năm họat động kiên cường, bất khuất của bà trong nhà tù. Năm 1943, ra tù trở về Bến Tre, bà liên lạc với tổ chức Đảng, chính quyền cách mạng của tỉnh và tham gia giành chính quyền vào tháng 8/1945. Tuy còn ít tuổi nhưng nhờ có ý chí kiên cường, lòng yêu nước mãnh liệt, lại nhiều mưu trí nên bà được Tỉnh ủy chọn làm thuyền trưởng chuyến đầu tiên vượt biển ra Bắc báo cáo với Đảng và Bác Hồ về tình hình chiến trường Nam bộ và xin vũ khí chi viện. Từ đó tên tuổi của bà đỏ thắm “đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ - Diệm ác liệt, với luật 10/59 của Ngô Đình Diệm, địch cứ truy tìm quyết liệt, chúng còn treo giải thưởng cho ai bắt được bà. Nhưng chúng đã không làm gì được bà vì bà luôn thay hình đổi dạng, có lúc giả làm thầy tu, thương buôn, lúc làm nông dân… và luôn được sự đùm bọc của những gia đình cơ sở cách mạng, của những người mẹ, người chị để qua mắt kẻ địch. Sự thắng lợi của phong trào Đồng khởi Bến Tre (17/1/1960) đã trở thành biểu tượng kháng chiến kiên cường bất khuất, tiêu biểu cho phong trào cách mạng miền Nam, chuyển từ thế phòng ngự, bảo toàn lực lượng, sang thế tấn công, dẫn đến thắng lợi hoàn toàn. Đồng khởi Bến Tre còn thể hiện rõ phương châm đánh địch bằng ba mũi giáp công, đặc biệt là phong trào đấu tranh chính trị, binh vận của đội quân tóc dài.
Sinh thời, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh đã từng nói: “Một người phụ nữ đã chỉ huy thắng lợi cuộc Đồng khởi ở Bến Tre thì người đó rất xứng đáng được làm tướng và ở trong Bộ Tư lệnh đánh Mỹ”. Thế là, giữa năm 1961, bà được điều động về làm việc ở Bộ Tư lệnh miền Nam cho đến cuối năm 1964 với chức danh Bí thư Đảng – Đoàn, Chủ tịch Hội Phụ nữ. Năm 1965, bà được giao giữ chức Phó Tổng Tư lệnh Quân Giải phóng miền Nam đến năm 1975. Bà đã được Bác Hồ xem như một vị tướng. Bác nói: “Phó Tổng tư lệnh Quân Giải phóng miềm Nam là cô Nguyễn Thị Định, cả thế giới chỉ nước ta có vị tướng quân gái như vậy. Thật vẻ vang cho cả miền Nam , cho cả dân tộc ta”.
Năm 1974, Bà được phong quân hàm Thiếu tướng, mặc dù là tướng, Phó Tổng tư lệnh quân giải phóng miền Nam nhưng bà rất nhân ái, rộng lượng, bao dung, sống chan hòa với mọi người, luôn thể hiện đậm nét là một người đồng đội, người chị, người mẹ hiền, tận tụy chăm sóc từ cơm ăn, áo mặc cho các chiến sĩ nhất là nam giới; những nỗi đau, mất mát và sự hy sinh cao cả của nhân dân được bà cảm nhận và chia sẽ một cách tinh tế và kịp thời. Đó là đức tính cách mạng của nữ tướng Nguyễn Thị Định đã được soi sáng nhân cách làm người cho thế hệ hôm nay và mai sau.
Từ sau ngày miền Nam được giải phóng, thống nhất đất nước, Bà Định đã giữ nhiều chức vụ trọng trách mới cùng Đảng và Nhà nước ta lãnh đạo thành công việc thực hiện công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, nhất là sự nghiệp đổi mới đất nước bà quan hệ và làm việc với nhiều nước trên thế giới. Bà nhận được nhiều phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta cũng như thế giới đã trao tặng.
Trung với Đảng, hiếu với dân suốt đời hy sinh cho sự nghiệp cách mạng cao cả, trước lúc mất (2 ngày), bà còn đến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhưng do tuổi cao, sức yếu, lại thêm căn bệnh đau tim nên lúc 22 giờ 50 phút ngày 26/8/1992, bà đã vĩnh biệt chúng ta và yên nghỉ tại Nghĩa trang Thành phố HCM.
Với 72 tuổi đời, 56 năm họat động cách mạng trung kiên, mẫu mực, suốt đời phấn đấu vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng phụ nữ với đức tính khiêm tốn, vị tha, nhân hậu, giản dị, dịu hiền và luôn gắn bó mật thiết với nhân dân, bà Ba Định đã là người phụ nữ tiêu biểu nhất, xứng đáng với tám chữ vàng mà Bác Hồ kính yêu đã tặng cho phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Để tri ân công lao đóng góp của nữ tướng Nguyễn Thị Định, ngày 30/8/1995, bà được Nhà nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam truy tặng danh hiệu anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Từ khi thành lập đến nay,Hội LHPNVN đã phát động những phong trào thi đua yêu nước nào?
Sau khi nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập (1945), phụ nữ Việt Nam tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước “Diệt giặc đói”, “Diệt giặc dốt”, “Diệt giặc ngoại xâm” góp phần xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng non trẻ.
- Phong trào thi đua yêu nước của phụ nữ từ tháng 9 đến tháng 12 năm 1945: Phụ nữ là lực lượng đông đảo đã tích cực tham gia vào các phong trào do Chính phủ phát động như:
* Phong trào “Không bỏ một tấc đất hoang”
* Phong trào “Tuần lễ vàng”
* Phong trào “Bình dân học vụ”
* Phong trào “Hũ gạo kháng chiến”
* Phong trào “Bảo trợ thiếu nhi”
* Phong trào “Cứu đói”
- Giai đoạn từ 1946 – 1954 Phụ nữ tích cực tham gia vào các phong trào do Hội LHPN Việt Nam phát động:
* Phong trào “Phụ nữ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”
* Phong trào “Phụ nữ học cày, học bừa”
* Phong trào “Phụ nữ chức nghiệp”
* Phong trào “Chống bắt lính”
* Phong trào “Vận động binh sĩ trở lại quê hương”
* Phong trào “Tầm vông diệt giặc”
* Phong trào nữ du kích Hoàng Ngân “đòn gánh đánh càn”
- Năm 1960 tại miền Nam có phong trào “Đồng khởi”. Cán bộ phụ nữ các cấp tiến hành hoạt động bí mật trong lòng địch; vận động, tập hợp quần chúng vào các tổ chức công khai, bán công khai, tranh thủ thế hợp pháp đấu tranh với địch
- Tháng 3/1961, Hội LHPNVN đã phát động phong trào thi đua “5 tốt” ở miền Bắc với những nội dung sau:
* Đoàn kết, sản xuất, tiết kiệm tốt
* Chấp hành chính sách tốt
* Tham gia quản lý tốt
* Học tập chính trị, văn hóa, kỹ thuật tốt
* Xây dựng gia đình, nuôi dạy con tốt
Kết quả có 70.000 phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ 5 tốt”
- Phong trào thi đua “5 tốt” ở miền Nam có nội dung:
* Đoàn kết đấu tranh chính trị, vũ trang, binh vận tốt
* Lao động sản xuất, tiết kiệm tốt
* Chăm sóc nuôi dưỡng thương binh tốt
* Học tập văn hóa, chính trị, chuyên môn tốt
* Rèn luyện tư cách đạo đức tốt.
- Phong trào thi đua “Kết nghĩa Bắc-Nam”
- Ngày 9/3/1965, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào thi đua “Ba đảm đang” với nội dung:
* Đảm đang sản xuất và công tác, thực hành tiết kiệm, thay thế nam giới chiến đấu
* Đảm đang gia đình, khuyến khích chồng con, anh em đi chiến đấu
* Đảm đang phục vụ chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu
Kết quả: có 4.000.000 phụ nữ đạt danh hiệu “Phụ nữ Ba đảm đang”.
- Ngày 8/3/1978, Hội LHPN Việt Nam phát động phong trào thi đua “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc” nêu lên trách nhiệm của phụ nữ đối với Tổ quốc, đối với gia đình và bản thân với các nội dung:
* Lao động, sản xuất, tiết kiệm, chấp hành chính sách tốt.
* Phục vụ chíên đấu và sẵn sàng chiến đấu, động viên chồng conđi chiến đấu, thay thế chồng con trong công việc hậu phương
* Tổ chức gia đình tốt, nuôi dạy con theo 5 điều Bác Hồ dạy.
* Đoàn kết, học tập, thương yêu giúp nhau cùng tiến bộ
Kết quả: Có 1.386.969 phụ nữ đạt danh hiệu “Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc" 10 năm liên tục.
- Ngày 8/3/1989, Hội LHPN Việt Nam phát động Cuộc vận động “Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình”:
* Vận động chị em tương trợ giúp đỡ nhau về giống, vật tư, ngày công lao động và kinh nghiệm sản xuất; Phối hợp với các ngànhvà các đoàn thể bạn để hướng dẫn, giúp đỡ chị em hiểu biết và ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật trong các hoạt động sản xuất, dịch vụ; Đề xuất với các cơ quan chính quyền, các tổ chức kinh tế có chính sách, biện pháp hỗ trợ kinh tế gia đình và các mặt vốn, giống, vật tư, nguyên liệu, giá cả, thuế tiêu thụ sản phẩm...
- Cuộc vận động “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học":
* Phổ biến các nội dung giáo dục kiến thức nuôi dạy con cho các bà mẹ về: Kế hoạch hoá gia đình, Vệ sinh phụ nữ, Bảo vệ thai nghén, Sự phát triển cơ thể trẻ em, Nuôi con từ 1-6 tuổi, Cách phòng chữa một số bệnh thông thường , tiêm chủng mở rộng, Cách sử dụng thuốc Nam để chữa bệnh cho con, Giáo dục con trước tuổi đi học, Giáo dục con ở độ tuổi 7-13, Giáo dục con ở tuổi dậy thì, Giáo dục giới tính cho nữ thanh niên, Giáo dục lao động và hướng nghiệp cho con; Phát hiện các hiện tượng suy dinh dưỡng của trẻ em; Thực hiện các chế độ ăn uống, tập luyện và phòng chống suy dinh dưỡng cho con,
* Phát hiện, tìm nguyên nhân của trẻ em bỏ học trong độ tuổi cấp I, II; Phối hợp với các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ và vận động gia đình khắc phục khó khăn để các cháu tiếp tục học.
- Phong trào "Xoá mù chữ cho phụ nữ":
* Xây dựng kế hoạch phối hợp với ngành Giáo dục, Bộ Tư lệnh biên phòng và cử cán bộ chuyên trách của Hội trực tiếp tham gia Ban chỉ đạo xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học từng cấp tương đương.
* Tổ chức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ, đặc biệt là các bà mẹ có con, phụ nữ có chồng là đối tượng xoá mù chữ cố gắng tạo điều kiện cho chồng, con, em đến lớp học xoá mù chữ.
* Kết hợp việc xoá mù chữ với 2 cuộc vận động là "Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình", "Nuôi dạy con tốt góp phần hạn chế trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học" và 5 chương trình công tác trọng tâm của Hội.
Giai đoạn 1997:
- Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc":
* Tích cực học tập: Tổ chức lớp học xoá mù chữ và sau xoá mù chữ cho phụ nữ miền núi, vùng dân tộc, vùng sâu vùng xa; Tổ chức học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn, tay nghề và kỹ năng lao động, trình độ ngoại ngữ và tin học cho phụ nữ là cán bộ, công chức; Học chủ trương, chính sách, chỉ thị, nghị quyết của Đảng và Nhà nước có liên quan đến phụ nữ, trẻ em.
* Lao động sáng tạo: Kết hợp kinh nghiệm lao động truyền thống với việc áp dụng công nghệ khoa học tiên tiến phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện từng nơi; Thi đua lao động sản xuất đạt năng xuất, hiệu quả cao; Tận dụng và tiết kiệm thời gian lao động nâng cao tay nghề, cải tiến mẫu mã, công cụ lao động để sản phẩm đạt năng xuất cao, chất lượng tốt; Khuyến khích các sáng kiến, đề tài khoa học vận dụng trong đời sống lao đọng, sản xuất, nghiên cứu.
* Nuôi dạy con tốt:Nắm vững kiến thức cơ bản về chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng hợp lí, an toàn lương thực thực phẩm; Hiểu những kiến thức nuôi con theo khoa học như chăm sóc thai nhi, tiêm chủng mở rộng, tiêm phòng bệnh, nuôi con bằng sữa mẹ; Cung cấp các kiến thức về nuôi dạy con nên người; Tạo điều kiện cho con được chăm sóc sức khoẻ, học tập, vui chơi; Cho con đi học đúng độ tuổi, không để con bỏ học.
* Xây dựng gia đình hạnh phúc: Tuyên truyền, giáo dục về vai trò của gia đình đối với xã hội và mỗi người; Gĩư gìn thuần phong mỹ tục và truyền thống gia đình Việt Nam, phấn đấu xây dựng gia đình với chuẩn mực "no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc".Trang bị cho phụ nữ và các nữ thanh niên khác trong gia đình những kiến thức chăm sóc sức khoẻ, dinh dưỡng, nuôi dạy con, vệ sinh phòng bệnh; Hưởng ứng phong trào xây dựng nếp sống văn minh, phấn đấu đạt danh hiệu "gia đình văn hoá".
- Phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, cần kiệm xây dựng đất nước”:
* Khơi dậy tiềm năng to lớn, sức sáng tạo và truyền thống nhân ái tốt đẹp, tạo nên một phong trào rộng lớn trongcác tầng lớp phụ nữ, tự nguyện giúp nhau vốn, giống, ngày công và kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh.
* Sáng tạo nhiều hình thức giúp nhau thoát khỏi đói nghèo đa dạng, hiệu quả mà tiêu biểu là mô hình "Nhóm phụ nữ tiết kiệm" và Quỹ tình thương.
* Khai thác các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo, đặc biệt tập trung vào nguồn vay tín chấp qua Ngân hàng và nguồn tiết kiệm của chị em, nguồn từ các Tổ chức quốc tế, với cách thức vay trả linh hoạt, phù hợp với điều kiện của người nghèo, gắn với các mô hình hoạt động lồng ghép
- Ngày 19/5/1997 phát động Phong trào "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" (1997 – 2001):
* Nâng cao nhận thức và hiểu biết của xã hội nói chung, phụ nữ cả nước nói riêng về chương trình tín dụng-tiết kiệm và những thay đổi tích cực mà chương trình này đã mang lại cho việc cải thiện đời sống của chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ nghèo;Giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân và phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt được tiếp cận với vốn (tín dụng) để sản xuất, nhằm tăng thu nhập và tăng sản lượng do các hoạt động kinh tế mang lại; Nâng cao vai trò của Hội phụ nữ trong quá trình phát triển đất nước, quan tâm đến chị em nghèo, giúp họ hoà nhập vào nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN, vì sự bình đẳng và tiến bộ của phụ nữ.
Giai đoạn 2002-2007:
- Phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc":
* Tích cực học tập: có ý thức học tập trong mọi lúc, mọi nơi, mọi lứa tuổi, dưới nhiều hình thức để không ngừng nâng cao nhận thức về chính trị, xã hội, trình độ học vấn, chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; học tập để không ngừng hoàn thiện về nhân cách, có đủ hiểu biết thực hiện tốt trách nhiệm công dân, đảm đương tốt vai trò người phụ nữ trong gia đình và thực hiện tốt thiên chức người mẹ.
* Lao động sáng tạo: Luôn tìm tòi cái mới, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, mạnh dạn ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ vào lao động sản xuất, quản lý, kinh doanh, trong giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học, lao động nghệ thuật ... nhằm đạt hiệu quả cao, sản phẩm lao động đạt chất lượng tốt.
* Xây dựng gia đình hạnh phúc: Có ý thức trách nhiệm, có kiến thức, sự hiểu biết để tổ chức hợp lý cuộc sống gia đình; xây dựng cho các thành viên trong gia đình có ý thức chấp hành luật pháp chính sách, tích cực lao động tạo thu nhập chính đáng đóng góp về kinh tế cho gia đình, quan tâm và tôn trọng lẫn nhau, cùng chia xẻ, gánh vác công việc gia đình, nuôi dạy con trở thành con ngoan, trò giỏi, công dân tốt của xã hội; xây dựng gia đình nề nếp, ông bà, cha mẹ gương mẫu, con cháu hiếu thuận, giữ gìn thuần phong mỹ tục của văn hoá gia đình Việt Nam; các thành viên gia đình có lối sống lành mạnh, không mắc vào tệ nạn xã hội; biết quan tâm tới lợi ích chung và giữ mối quan hệ tốt với cộng đồng; xây dựng gia đình “no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”, để gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.
Đồng chí hãy ghi lại những hiểu biết của mình về một phong trào thi đua của phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp to lớn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước?
Phong trào “Phụ nữ ba đảm đang” với 3 nội dung đảm nhiệm sản xuất, công tác thay thế nam giới chiến đấu; đảm nhiệm gia đình, khuyến khích chồng, con yên tâm đi chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu khi cần thiết.
Với phương châm “Vừa tích cực động viên mọi khả năng của phụ nữ, vừa quan tâm bồi dưỡng và bảo vệ lao động phụ nữ nhằm phát huy mạnh mẽ, liên tục, lâu dài khả năng phấn đấu cách mạng của phụ nữ”.
Phong trào phụ nữ ba đảm đang đã minh chứng một cách đầy thuyết phục khả năng cách mạng vô cùng to lớn đã lôi cuốn đông đảo các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua, trở thành sức mạnh hùng hậu của hàng chục triệu phụ nữ trên mọi lĩnh vực hoạt động, đoàn kết cùng nhân dân và phụ nữ miền Nam kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng, bảo vệ hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Hội LHPN tham gia mấy tổ chức của phụ nữ khu vực và phụ nữ quốc tế? Đó là các tổ chức nào? Thời gian bắt đầu gia nhập?
Hội LHPNVN tham gia các tổ chức quốc tế sau:
- Tháng 10/1946 tham gia Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ quốc tế (WIDF).
- Cuối năm 1949, lần đầu tiên đoàn đại biểu phụ nữ Việt Nam trong nước đã tham dự “Hội nghị phụ nữ châu Á”.
- Từ năm 1950 - 1952, Hội tham gia nhiều hoạt động quốc tế như phong trào chống chủ nghĩa quân phiệt ở Tây Ban Nha, chống chính sách phục hồi chủ nghĩa phát xít ở Tây Đức...
- Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Hội LHPN Việt Nam đã tham gia các diễn đàn và Hội nghị thế giới, giới thiệu cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của dư luận quốc tế.
- Trong thời kỳ chống Mỹ, Hội LHPN Việt Nam đã thiết lập và duy trì quan hệ quốc tế với các lực lượng yêu chuộng tự do và hòa bình trên thế giới, tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế đối với cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân và phụ nữ Việt Nam . Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế đã tích cực vận động phụ nữ và nhân dân thế giới đoàn kết ủng hộ Việt Nam như sáng kiến thành lập “Ủy ban Thế giới ủng hộ Việt Nam” năm 1964, tổ chức quyên góp để xây dựng Bệnh viện Phụ sản Hà Nội vào những năm đầu thập kỷ 80.
- Năm 1975, đất nước thống nhất đã mở ra một thời kỳ phát triển mới cho công tác đối ngoại của Hội LHPN Việt Nam . Hội LHPN Việt Nam đã cử đại diện tham dự Hội nghị thế giới lần thứ nhất về vấn đề Phụ nữ do Liên hợp quốc triệu tập.
- Trong các kỳ Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc nhiều đoàn đại biểu quốc tế từ các tổ chức phụ nữ ở các châu lục đã tham dự.
- Năm 1994 tham gia mạng lưới tín dụng tiết kiệm cho những người nghèo khó nhất Châu Á - Thái Bình Dương - CASHPOR.
- Tháng 6/1996 tham gia Liên đoàn các tổ chức phụ nữ ASEAN (ACWO) tại Philipin.
- Tháng 5/1997 Hội LHPN Việt Nam đã tổ chức thành công hội thảo Phụ nữ ASEAN tại Hà Nội với chủ đề “Sự tham gia của Phụ nữ trong quản lý”.
- Năm 1998, lần đầu tiên Hội LHPN Việt Nam tham dự cuộc họp lần thứ 3 Mạng lưới Các nhà lãnh đạo nữ APEC (WLN).
- Tham gia soạn thảo Báo cáo Quốc gia các kỳ về việc thực hiện Công ước quốc tế về Loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử đối với phụ nữ (CEDAW) tại Việt Nam .
- Hội LHPN Việt Nam đều đặn tham dự các cuộc họp thường niên Ban lãnh đạo ACWO, các Đại Hội đồng ACWO được tổ chức 2 năm/lần theo cơ chế luân phiên tại các nước thành viên.
- Hội đặc biệt quan tâm củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng bằng các hoạt động ký hiệp định hữu nghị đặc biệt với Lào, Campuchia.
- Hội LHPN Việt Nam và Hội Liên hiệp Phụ nữ toàn quốc Trung Hoa cũng thường xuyên tăng cường mối quan hệ đối ngoại.
- Hội LHPN Việt Nam tiếp tục vun đắp các mối quan hệ truyền thống như với Cuba , Nga , Belarus ...
Đến nay, Hội đã có quan hệ đối ngoại với trên 350 tổ chức phụ nữ, các tổ chức xã hội, nhân đạo và cá nhân ở khoảng 70 nước và vùng lãnh thổ.
Đồng chí hãy cho biết Việt Nam đã tham gia Ban lãnh đạo các tổ chức phụ nữ khu vực và phụ nữ quốc tế trong những nhiệm kỳ nào?
Ngay từ năm 1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho công tác đối ngoại của Hội LHPNVN bằng việc giới thiệu Hội tham gia tổ chức quốc tế đầu tiên là Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế. Việt Nam đã tham gia Ban lãnh đạo các tổ chức phụ nữ quốc tế sau:
- Từ năm 1962, bà Hà Thị Quế, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam được bầu làm Phó chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Quốc tế.
- Từ 1975-1976, bà Hà Thị Quế, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam là Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế, ủy viên thường vụ Hội đồng Phụ nữ Quốc tế.
- Từ 1976-1991, bà Nguyễn Thị Định, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam được bầu làm Phó Chủ tịch Liên đoàn Phụ nữ Dân chủ Quốc tế.
- Năm 2001, bà Nguyễn Thị Bình là đồng Chủ tịch danh dự của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu (GSW) tại Hồng Kông.
- Năm 2006, Hội LHPN Việt Nam đảm nhiệm chức Chủ tịch mạng lưới và đã tổ chức thành công Cuộc họp WLN lần thứ 11 tại Thủ đô Hà Nội với chủ đề “Hướng tới một cộng đồng năng động: Tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nữ vì sự phát triển bền vững và thịnh vượng”.
- Từ ngày 27 đến 28/12/2007, tại Hội nghị lần thứ 5 nữ nghị sĩ và nữ bộ trưởng khu vực châu Á được tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) do Diễn đàn các Nghị sĩ châu Á về Dân số và Phát triển (AFPPD) phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Khoa học, Giáo dục, Y tế và Thể thao của Quốc hội Trung Quốc tổ chức bà Trương Thị Mai, Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, được giới thiệu làm Phó Chủ tịch AFPPD.
- Hội LHPN Việt nam đã lần lượt giữ các chức vụ: Giám đốc, Thủ quỹ, Tổng thư ký, Phó Chủ tịch ACWO.
- Nhiệm kỳ 2008-2010, Hội LHPN Việt Nam giữ chức chủ tịch liên đoàn các tổ chức Phụ nữ ASEAN (ACWO).
- Năm 2008, bà Trương Mỹ Hoa là đồng Chủ tịch của Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ toàn cầu (GSW).
Đồng chí hãy trình bày những hiểu biết cơ bản của mình về Luật chăm sóc và giáo dục trẻ em; Luật Bình đẳng giới? Theo đồng chí chúng ta phải làm gì để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em Việt Nam ?
- Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em - Luật số 25/2004/QH11 được Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam thông qua ngày 15/6/2004 và có hiệu lực từ 1/1/2005. Luật gồm 5 chương và 60 điều. Luật quy định các quyền cơ bản, bổn phận cơ bản của trẻ em, trách nhiệm của gia đình, nhà nước xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
- Luật bình đẳng giới – Luật số 73/2006/QH11 được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2006, có hiệu lực thi hành từ 1/7/2007. Luật Bình đẳng giới có 6 chương, 44 điều quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới là việc nam - nữ có vị trí, vai trò ngang nhau, được tạo điều kiện và cơ hội phát huy năng lực của mình cho sự phát triển của cộng đồng, gia đình và thụ hưởng như nhau về thành quả của sự phát triển đó.
Để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ và trẻ em Việt Nam :
Việc cần làm ngay là tăng cường tuyên truyền cũng như phòng ngừa để cho người dân hiểu nội dung Luật Hôn nhân gia đình, Luật Bảo vệ và chăm sóc trẻ em, Luật Phòng chống bạo lực gia đình… Đẩy mạnh tuyên truyền thì người dân sẽ hiểu và không còn xem chuyện bạo lực gia đình là của riêng một gia đình nữa, khi đó cộng đồng sẽ tham gia tích cực trong việc phòng chống.
Ngoài ra sự tham gia của các tổ chức xã hội, cộng đồng nếu biết ngay từ khi còn manh mún. Hội, Mặt trận... can thiệp thì việc đó không dẫn đến tình trạng bạo lực, nếu để lâu sẽ trở thành thói quen trong quan hệ gia đình.
Vai trò của công an cũng như chính quyền địa phương là rất lớn, họ phải can thiệp, xử lý ngay những trường hợp bạo hành gia đình.
Bên cạnh đó, còn có trách nhiệm của các bậc cha mẹ, của người dân, người sử dung lao động, trách nhiệm của cơ quan, thôn xóm.
Ban Công tác phụ nữ Quân đội được thành lập thời gian nào? Phụ nữ Quân đội đến nay đã trải qua mấy kỳ Đại hội? Những thông tin chính về các kỳ Đại hội đó?
Ban Công tác Phụ nữ Quân đội được thành lập ngày 7/5/1992.
Từ ngày thành lập đến nay, Ban Công tác Phụ nữ Quân đội đã trải qua các kỳ Đại hội sau:
- Đại hội đại biểu lần thứ I: họp từ ngày 6 đến 7/5/1992 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 182 đại biểu đại diện cho toàn thể phụ nữ trong toàn quân.
- Đại hội đại biểu lần thứ II: họp từ ngày 27 đến 29/3/1997 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 265 đại biểu đại diện cho phụ nữ toàn quân.
- Đại hội đại biểu lần thứ III: họp từ ngày 4 đến 5/12/2001 tại Hà Nội. Đại hội gồm 311 đại biểu.
- Đại hội đại biểu lần thứ IV: họp từ ngày 12 đến 14/12/2006 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 360 đại biểu, trong đó: 107 đại biểu là lãnh đạo, chỉ huy các cấp; 352 đại biểu là đảng viên; 33 đại biểu có trình độ trên đại học, 166 đại biểu có trình độ đại học; 8 đại biểu người dân tộc thiểu số; độ tuổi trung bình của các đại biểu là 43.

Đại tá Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng Ban Công tác Phụ nữ Quân đội
Đồng chí hãy kể về một kỷ niệm sâu sắc nhất của mình khi tham gia công tác Hội. Theo đồng chí chúng ta phải làm gì để công tác phụ nữ, phong trào của phụ nữ Quân đội ngày càng phát triển và đạt hiệu quả thiết thực.
Để công tác phụ nữ, phong trào của phụ nữ Quân đội ngày càng phát triển và đạt hiệu quả thiết thực, chúng ta cần phải:
- Đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước trong các cấp Hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào thi đua, phụ nữ quân đội tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình văn minh, hạnh phúc; động viên, khuyến khích phụ nữ tự giác học tập nâng cao trình độ học vấn, tay nghề chuyên môn, ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ trong lao động sản xuất.
- Thường xuyên tuyên truyền, vận động thực hiện chính sách pháp luật, nâng cao nhận thức về bình đẳng giới. Tập trung tuyên truyền, triển khai các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của phụ nữ. Tổ chức tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật về quyền và nghĩa vụ của phụ nữ; phòng, chống tiêu cực và tệ nạn xã hội, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới; phòng, chống buôn bán phụ nữ và trẻ em... góp phần nâng cao nhận thức và ý thức tự giác chấp hành pháp luật của các tầng lớp phụ nữ. Tăng cường giáo dục truyền thống, xây dựng văn hóa ứng xử của người phụ nữ quân đội.
- Nâng cao hiệu quả hỗ trợ phụ nữ quân đội tại các vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo phát triển kinh tế cải thiện đời sống, làm giàu chính đáng. Tiếp tục đẩy mạnh công tác giúp phụ nữ nghèo, phụ nữ cận nghèo trong làm chủ hộ...
- Đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Tuyên truyền, nâng cao kiến thức, kỹ năng xây dựng gia đình. Đẩy mạnh tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình; phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em, kiến thức nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, kịp thời hỗ trợ phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình, nạn nhân bị buôn bán, trẻ em tàn tật...
- Tổ chức các hoạt động chăm lo, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ trong gia đình. Tăng cường công tác tư vấn pháp luật và nâng cao hiệu quả công tác hòa giải.
- Xây dựng và phát triển các tổ chức Hội vững mạnh, thực hiện tốt vai trò đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ. Nâng cao chất lượng của bộ máy tổ chức Hội, tăng cường thu hút hội viên. Tiếp tục củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy cơ sở Hội các cấp, tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn các cấp Hội thực hiện Nghị quyết, Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa X, các tài liệu do Ban Công tác Phụ nữ Quân đội hướng dẫn.
- Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra giám sát theo chức năng của tổ chức Hội. Chủ động phát hiện, giám sát việc thực hiện pháp luật liên quan đến phụ nữ. Phối hợp với chính quyền, lãnh đạo chỉ huy đơn vị và các đoàn thể tạo điều kiện để phụ nữ tham gia hoạt động, phát hiện các hiện tượng tiêu cực, vi phạm pháp luật trong hoạt động quản lý nhà nước, đấu tranh chống quan liêu, tham nhũng lãng phí.

Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang  Mod-ico-edit
Về Đầu Trang Go down
https://phunu.forum-viet.com
 
Hội liên hiệp phụ nữ - 80 năm - chặng đường lịch sử vẻ vang
Về Đầu Trang 
Trang 1 trong tổng số 1 trang
 Similar topics
-
» Sự ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam
» Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (bổ sung, sửa đổi)
» NGÀY THÀNH LẬP HỘI LIÊN HIỆP PHỤ NỮ VIỆT NAM 20 – 10 – 1930
» Hướng dẫn thực hiện công tác kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo và thi hành kỷ luật trong hệ thống Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam nhiệm kỳ 2007 – 2012
» Lịch sử ngày Quốc tế Phụ Nữ 8-3

Permissions in this forum:Bạn không có quyền trả lời bài viết
 :: Hội LHPN Việt Nam :: Lịch sử Hội LHPN-
Chuyển đến